Phương pháp giáo dục kỹ năng mềm cho học sinh THPT hiệu quả

I. Giáo dục kỹ năng mềm thông qua hoạt động ở trường lớp

Những bài học về kỹ năng mềm có thể được lồng ghép trong các tiết chào cờ, sinh hoạt lớp, sinh hoạt tập thể của trường bằng những cách thức hoạt động cụ thể như: buổi chia sẻ – trò chuyện hai chiều, chương trình đóng vai theo tình huống bằng hình thức sân khấu hóa, các bài học cuộc sống được lồng ghép vào trong giờ giảng dạy,… Khi các em đi học, nếu chỉ nhận lại được mỗi kiến thức sách vở thôi thì việc giáo dục chưa đạt được hết hiệu quả của nó. Đến trường cốt là để gặp gỡ bạn bè, thầy cô và được tiếp cận với “xã hội thu nhỏ” để học cách sống trước khi bước ra đời thật rộng lớn.

II. Giáo dục kỹ năng mềm bằng cẩm nang, sổ tay tuyên truyền

Hiện nay, các trường có thể đặt mua những cuốn sổ tay giáo dục kỹ năng mềm trên thị trường. Nội dung của sổ tay rất hữu ích với học sinh, tuyên truyền bao gồm các kiến thức về kỹ năng sống, kỹ năng mềm cần rèn luyện, cách thức rèn luyện. Cuốn sổ tay nhỏ dễ mang theo bên mình, nội dung dễ đọc, dễ tiếp thu sẽ có tác dụng rất tốt trong việc giáo dục kỹ năng mềm cho học sinh THPT. Thật ra đối với kỹ năng mềm, nhiều người cho rằng phải thực hành thì mới hiệu quả. Tuy nhiên, cái gì cũng vậy, có nền tảng kiến thức trước sẽ giúp việc thực thi đi đúng định hướng và nhanh chóng đạt được thành công hơn.

III. Giáo dục kỹ năng mềm cho học sinh từ các hoạt động bề nổi

1. Văn hóa – Nghệ thuật

Hoạt động văn hóa nghệ thuật bao gồm nhiều thể loại khác nhau như: Hát, múa, nhảy, thơ ca, kịch ngắn, kịch câm, thi kể chuyện,.. nhằm góp phần hình thành cho các em sự mạnh dạn, tự tin trước đám đông, rèn luyện kỹ năng thể hiện bản thân. Những hoạt động này sẽ rất tuyệt vời cho các em có năng khiếu thẩm mỹ và quan tâm đến nghệ thuật. Đây sẽ là cơ hội để các em được hoà mình vào nghệ thuật, kể cả khi có đứng trước sân khấu hay không. Bởi nếu không trực tiếp biểu diễn thì các em hoàn toàn có thể làm đạo diễn, biên kịch, hậu cần,… – những công việc vẫn sẽ bổ sung rất nhiều vào vốn kỹ năng của em.

2. Ngày hội thể dục thể thao

Hoạt động này sẽ góp phần giúp các em rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, tinh thần đồng đội cũng như thể hiện sự khéo léo, khoẻ mạnh và dẻo dai của mình. Vì trong các cuộc thi về vận động thể chất, các em sẽ phải ứng phó nhiều tình huống bất ngờ và bắt buộc phải giao tiếp với đồng đội để đề ra chiến lược và phối hợp nhịp nhàng với nhau. Những ngày hội như thế này không chỉ là giờ phút giúp các em xả stress sau tháng ngày dài học tập căng thẳng, mà còn khiến tình đoàn kết lên cao, cùng nhau tạo nên những kỷ niệm đáng nhớ của tuổi học trò.

3. Hoạt động xã hội, công ích

Thông qua các hoạt động này, học sinh sẽ hiểu thêm về giá trị của lao động và có tinh thần đóng góp cho cộng đồng nhiều hơn. Đây có thể là các buổi vệ sinh trường lớp, có thể là những chuyến đi tham quan, từ thiện,… Các em sẽ được quan sát cuộc sống xung quanh ở nhiều hoàn cảnh khác nhau. Nhiều em sống sung sướng từ bé, nhờ những lần như vậy mà dần biết xả thân hơn, xốc vác hơn, chăm chỉ làm việc cùng mọi người, biết mình may mắn hơn rất nhiều người ngoài kia nên phải sống yêu thương, chan hoà và có trách nhiệm với cộng đồng.

4. Cuộc thi khoa học – kỹ thuật

Những hoạt động như cuộc thi tìm hiểu các danh nhân, các nhà khoa học, xây dựng đề án khoa học kỹ thuật hay hỏi đáp về các kiến thức nền về văn hoá – xã hội,.. sẽ rèn luyện cho học sinh kỹ năng nghiên cứu sâu và tự khẳng định vốn kiến thức của bản thân. Các em có cơ hội được cọ xát với nhiều các bạn cũng có tầm hiểu biết “khủng” để giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm cùng nhau. Các cuộc thi như vậy cũng là sân chơi để sau đó các em có thêm những người bạn cùng sở thích, có động lực để tiếp tục phấn đấu trau dồi kiến thức.

IV. Giáo dục kỹ năng mềm bằng cách lập các câu lạc bộ học sinh

Những câu lạc bộ được thành lập, tổ chức và hoạt động ngay trong môi trường nhà trường THPT như: CLB Bóng rổ, CLB Tiếng Anh, CLB Dancesport, CLB Bóng bàn, CLB báo chí, CLB sức khỏe giới tính, Câu lạc bộ MC, Câu lạc bộ thủ lĩnh đoàn, Câu lạc bộ thanh niên tình nguyện… Mỗi CLB có cách thức và nội dung hoạt động khác nhau, có khẩu hiệu và cả quy chế hoạt động riêng. Tham gia các câu lạc bộ này, các em học sinh sẽ trở thành những thành viên tích cực, hoạt động vì một mục đích chung. Các em được hòa mình vào một tập thể có nhiều điểm chung nên có thể thoải mái thể hiện thế mạnh của bản thân. Nhờ đó mà qua các câu lạc bộ, nhiều học sinh nhút nhát trở nên mạnh dạn hơn.

thanh-lap-cac-cau-lac-bo-de-giao-duc-ki-nang-mem-cho-hoc-sinh

Chưa dừng lại ở đó, nhiều câu lạc bộ còn có những đợt tuyển thành viên đầu vào chặt chẽ với yêu cầu nhất định về vốn kiến thức, vốn sống, tinh thần tích cực, chủ động, dám nghĩ dám làm. Trong suốt quá trình hoạt động câu lạc bộ, các thành viên cũng phải hoạt động tích cực, nhất là tham gia những công tác xã hội, tình nguyện, những hoạt động tập thể để rèn luyện bản thân ngày một tốt hơn, cống hiến được nhiều hơn. Tham gia những hoạt động này là cách để học sinh từng bước tự rèn luyện bản thân và gặt hái vô vàn kỹ năng mềm.