Vì sao bạn thay đổi gia sư nhiều lần mà con học không tiến bộ?

Việc thuê gia sư tại nhà rất phổ biến ở các thành phố lớn như Hà Nội, HCM… Điều này không có gì lạ bởi áp lực học tập, thành tích, thi đua khen thưởng ngày một cao. Con học kém, khá, giỏi cũng mời gia sư, hiệu quả của nó đến đâu thì chẳng mấy phụ huynh đánh giá được. Chỉ biết rằng, trách nhiệm của bậc làm cha mẹ là tạo những điều kiện học tập tốt nhất cho con. Có những gia đình thay đổi vài gia sư một năm cho cùng môn học mà điểm thi của bé vẫn thấp. Bài viết dưới đây sẽ chỉ ra các lỗi cơ bản khi tìm gia sư của phụ huynh khiến con học không tiến bộ.

1. Liên hệ nhiều trung tâm gia sư một lúc

Liên hệ vài trung tâm xem bên nào cung cấp gia sư trước thì nhận. Nhiều anh chị nghĩ gia sư ở trung tâm nào cũng như nhau, đây là một quan điểm sai lầm. Chỉ những trung tâm lớn, uy tín lâu năm mới tập hợp được đội ngũ gia sư chất lượng. Quá trình phỏng vấn, tuyển chọn gia sư cần có thời gian, trong đó phải tính đến lịch học, đường đi, trình độ người dạy sao cho hợp lý.

Chẳng may chọn được gia sư dạy tốt mà lại xa nhà anh chị quá, họ có thể nhận địa chỉ nhà bạn lúc này nhưng khi có gia đình khác gần hơn với cùng mức lương thì họ sẽ tìm cách rút lui. Hơn nữa, việc liên hệ nhiều trung tâm còn khiến bạn bị lẫn lộn giữa bên này, bên kia. Khi có vấn đề gấp cần trao đổi ví dụ như liên quan đến tài sản, an ninh, an toàn của gia đình thì không nhớ trung tâm nào để mà tìm. Vì vậy, phụ huynh nên tìm hiểu kĩ, lựa chọn một đơn vị thật tâm đắc rồi kiên nhẫn đợi họ sắp xếp gia sư.

2. Đến sát kì thi mới cuống cuồng tìm gia sư

Cả năm không tìm gia sư, đến gần lúc thi vội vàng cần người dạy ngay để giải quyết vấn đề trước mắt. Anh chị cần hiểu rằng những giáo viên, sinh viên giàu kinh nghiệm thì nhiều trung tâm hợp tác, hoặc gia đình đã quen họ từ trước mời dạy. Đến mùa thi nhà nào cũng cần thì người ta đâu còn lịch để tiếp nhận. Vì vậy, cần có kế hoạch từ sớm để nhận được gia sư tốt nhất theo con bạn ít nhất cả năm học.

Ngoài ra, học tập là cả một quá trình, không thể ngày một ngày hai là giúp con tiến bộ ngay được. Vài ba buổi trước kì thi chưa đủ để gia sư và học sinh hiểu nhau chứ đừng nói đến việc truyền tải kiến thức. Khi có gia sư trong thời điểm này mà con vẫn bị điểm kém. Đừng vội đánh giá hay sa thải họ, phụ huynh cần xem xét đến thái độ, tác phong làm việc, sự nhiệt tình rồi mới đưa ra quyết định có nên tiếp tục không.

3. Chưa nắm bắt được lực học, tâm lý của con

Đây là yếu tố rất quan trọng trước khi phụ huynh đăng ký tìm gia sư. Việc con học đến đâu, yếu ở môn gì, phản hồi từ giáo viên ra làm sao mới giúp anh chị có định hướng đúng. Những học sinh học kém thường có tâm lý tự ti và sợ học. Hơn hết, phụ huynh phải là người đầu tiên làm công tác tư tưởng như động viên, chia sẻ, cùng với đó là thống nhất với con về kế hoạch thuê gia sư nhằm đảm bảo đạt hiệu quả cao nhất.

Cha mẹ cần tránh rơi vào tình trạng mời gia sư đến nhà, con thì ở trong phòng khóa trái cửa nhất định không chịu ra. Hoặc ép con học thêm nhiều môn học ở trường và ở nhà khiến quỹ thời gian cho sinh hoạt bị hạn chế. Điều này mang đến tác động ngược, ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như tâm sinh lý, khó mà giúp con tiếp thu tốt được kiến thức.

4. Không đối xử đúng mực với gia sư

Người lao động chân chính dù ở bất kì nghề nghiệp nào cũng cần được tôn trọng. Họ cần một trạng thái tâm lý thoải mái để phát huy hết khả năng của mình. Hơn nữa, truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc thì gia sư giống như người thầy dạy học cho con bạn. Vì vậy, thái độ thân thiện của anh chị sẽ giúp gia sư trở nên gần gũi hơn. Một vài câu hỏi xã giao, lời động viên nhẹ nhàng là đủ để họ tự tin, ví dụ như: Em đi đường có vất vả không? Nghỉ ngơi chút rồi dạy con nhé và mời người ta cốc nước…

Một số phụ huynh học sinh có cách cư xử chưa phù hợp như: Ít giao tiếp, coi gia sư như giúp việc, không niềm nở đón tiếp khiến họ cảm giác bị coi thường thì khó mà dạy tốt được. Cá biệt có những gia đình quá nuông chiều làm học sinh hỗn láo, không hợp tác khiến gia sư đóng vai trò chả khác gì trông trẻ. Thử hỏi như vậy thì có thay đổi gia sư bao nhiêu lần cũng chẳng giúp con tiến bộ lên.

5. Trả mức học phí cho gia sư thấp hơn thị trường

Khi được trung tâm tư vấn thì chốt rõ ràng về mức học phí. Trong quá trình gia sư đến kèm lại tìm cách thỏa thuận lại mức học phí thấp hơn. Giáo viên hay sinh viên đều không muốn khúc mắc về vấn đề tiền nong và đặc biệt là bất lợi cho họ. Bạn nghĩ xem khi bị ức chế tâm lý liệu người ta có thể toàn tâm, toàn ý truyền đạt cho con bạn với khả năng tốt nhất của họ? Thậm chí họ sẽ bỏ lớp với vô vàn lý do khiến bạn lại mất công cho quá trình tuyển chọn tiếp theo.

Cũng có trường hợp mức lương thấp đã được thống nhất ngay từ đầu và trung tâm cũng giới thiệu được người dạy. Tuy nhiên, của rẻ chưa bao giờ tốt cả, chỉ những gia sư ít kinh nghiệm, cần tiền gấp mới nhận lời đi làm. Ví dụ: Dạy Toán lớp 12 học phí 100K hay 120K trong khi mức phù hợp là 150K hoặc 180K. Chả may bạn đó dạy ổn, tương tác tốt với con thì một thời gian sau họ cũng đòi tăng lương lên. Và vấn đề mâu thuẫn lại xảy ra nếu phụ huynh vẫn bảo lưu quan điểm của mình.

Kết luận: Hàng hóa, sản phẩm còn thường xuyên lỗi, hỏng cần bảo hành, đổi trả huống chi gia sư là một công việc đặc thù. Giảng dạy tại nhà này rất hiệu quả, được khen hết lời những đến chỗ khác lại không phù hợp. Chuyện đó hết sức bình thường, chưa có giải pháp nào là tuyệt đối cả.